Nuôi Ruồi Lính Đen Làm Thức Ăn Cho Gà Kiếm Tiền Tỉ

678thomonet
29/06/22
Anh Nguyễn Thái Phong (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu về quy trình nuôi ruồi lính đen
Anh Nguyễn Thái Phong (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu về quy trình nuôi ruồi lính đen

Câu chuyện phát triển kinh tế của chàng thanh niên Nguyễn Thái Phong tưởng chừng đơn giản nhưng để có được thành quả như ngày hôm nay, đó là cả một quá trình lao động cần cù, không ngại tìm tòi, thử nghiệm, thậm chí là thất bại.

Cách đây hơn 2 năm, anh Nguyễn Thái Phong hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ở nhà làm ruộng rẫy, trồng rau, chăn nuôi… So với đi làm công nhân, công việc mà anh chọn thử sức khá vất vả, hầu như phải làm việc suốt ngày nhưng thu nhập lại không đáng là bao. Tìm ra lối đi riêng là suy nghĩ mà anh luôn trăn trở.

Đang không biết phải bắt đầu từ đâu thì vô tình anh biết đến ruồi lính đen. Đây là loại côn trùng có ích, vừa giúp xử lý rác thải, vừa tạo ra nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi và chất thải từ nuôi ruồi có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ.

Tuy nhiên, thời điểm đó nuôi ruồi lính đen là mô hình mới, ít người làm nên những thông tin về kỹ thuật nuôi ruồi lính đen còn hạn chế. Anh Phong chia sẻ, khả năng ngoại ngữ của anh không tốt, để có thông tin anh sử dụng Google dịch tài liệu về ruồi lính đen. Khi đã có được chút kiến thức về quy trình nuôi ruồi lính đen, anh Phong bắt tay vào thử nghiệm.

Anh Trần Hoàng Sự, Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, anh Nguyễn Thái Phong là một trong những người trẻ đầu tiên thực hiện thành công mô hình nuôi ruồi lính đen trên địa bàn huyện.

So với các mô hình kinh tế khác của thanh niên nông thôn, đây là mô hình mới, đem lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường. Từ mô hình này, tổ chức Đoàn cũng sẽ có định hướng để nhân rộng trong thời gian tới.

Hằng ngày, anh ra chợ gom trái cây, rau củ quả hư hỏng bỏ đi; mua lại bã đậu ở các hộ làm đậu hũ làm thức ăn cho ruồi. Thức ăn của ruồi lính đen là rác thải hữu cơ nên vấn đề xử lý mùi hôi cũng rất quan trọng. Sau vài lần thử nghiệm, anh nhận thấy để giảm thiểu mùi hôi, không có cách nào khác là cho ruồi ăn lượng thức ăn vừa phải, giảm số lượng ruồi và mở rộng diện tích nuôi.

Ngoài khó khăn trong việc xử lý mùi hôi, quy trình nuôi ruồi lính đen không quá khó, giá trị kinh tế đem lại hơn hẳn so với các loại vật nuôi khác nên anh Phong từ chỗ nuôi thử nghiệm phục vụ cho công việc chăn nuôi của gia đình đã có ý tưởng nuôi ruồi để bán ra thị trường.

Để mọi người cùng biết đến lợi ích của ruồi lính đen cũng như quy trình nuôi ruồi lính đen, anh Phong đã mạnh dạn lập Fanpage, kênh YouTube mang tên: Trại nuôi ruồi lính đen Nhơn Trạch – Đồng Nai thu hút khoảng 400 lượt người theo dõi Fanpage và khoảng 4 ngàn người xem trên trang YouTube.

Nhờ đó mà anh từng bước bán các sản phẩm từ ruồi lính đen (như: trứng, ấu trùng, phân…) cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh với thu nhập mỗi tháng khoảng 40 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Bên cạnh mô hình chăn nuôi ruồi lính đen, anh Phong vẫn tiếp tục duy trì mô hình chăn nuôi gà thả vườn, gà tre cho thu nhập mỗi tháng từ 5-7 triệu đồng và đang ấp ủ mô hình chăn nuôi cá trê. Anh Phong cho hay, mô hình nuôi cá trê mà anh đang làm coi như khép kín, bởi cá trê là loài ăn tạp nên có thể tận dụng lại tất cả chất thải từ chăn nuôi gà, ruồi lính đen góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường.

Khi nhắc đến đoàn viên Nguyễn Thái Phong, Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Vĩnh Thanh Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Bằng tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Phong đã thành công, trở thành tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh niên trong xã noi theo”.

Theo: Báo Đồng Nai